GIỚI THIỆU CHUNG:
Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (tên tiếng Anh: Institute of Biotechnology - Food Technology, viết tắt: IBFT) là đơn vị trực thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Viện có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm.
Cơ cấu lãnh đạo Viện gồm TS. Lương Hùng Tiến - Viện trưởng (phụ trách chung) cùng hai viện phó là TS. Trần Văn Chí (phụ trách Công tác học sinh sinh viên và Khoa học Công nghệ) và TS. Nguyễn Xuân Vũ (phụ trách Đào tạo và Đảm bảo chất lượng).
Các chương trình đào tạo của Viện bao gồm ba chuyên ngành bậc Đại học (Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm - chương trình Tiếng Việt và Tiếng Anh, và Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm), một ngành đào tạo bậc thạc sĩ (Công nghệ sinh học) và một ngành đào tạo bậc tiến sĩ (Công nghệ sinh học).
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN:
Tiền thân của Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm là bộ môn Công nghệ sinh học và Bảo quản chế biến, trực thuộc khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Năm 2010, Khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (CNSH-CNTP) được thành lập theo quyết định số 405/QĐ - ĐHTN ngày 06 tháng 05 năm 2010 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Đến năm 2024, để phù hợp với tiến trình phát triển của đơn vị và nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đào tạo, hợp tác, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm được thành lập theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐT ngày 30 tháng 01 năm 2024 của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Hiện tại, cơ cấu tổ chức của Viện bao gồm ba bộ môn: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phầm và Công nghệ Sau thu hoạch. Tính đến tháng 4 năm 2024, đội ngũ của Viện gồm 30 giảng viên, cán bộ kỹ thuật, bao gồm:
- 14 Tiến sĩ (chiếm 46,6%, trong đó có 01 Giáo sư, 02 Phó Giáo sư),
- Tám Nghiên cứu sinh (chiếm 26,7%)
- Tám Thạc sĩ (chiếm 26,7%).
SỨ MỆNH - TẦM NHÌN - MỤC TIÊU:
Sứ mệnh:
Viện có sứ mạng: “Đào tạo bậc đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. và hội nhập quốc tế cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước”
Tầm nhìn:
Đến năm 2030, 100% các chương trình đào tạo của Viện đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA hoặc tương đương. Viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm.
Mục tiêu:
Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chủ động, sáng tạo trong học tập; chịu trách nhiệm về quá trình; có khả năng tìm việc làm hoặc khởi nghiệp; có kiến thức nền tảng vững chắc, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt; có năng lực nghiên cứu khoa học độc lập, năng lực sáng tạo, năng lực nghiên cứu và phát triển, kinh doanh sản phẩm và năng lực hội nhập quốc tế. Trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Tạo ra được các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phục vụ phát triển bền vững khu vực miền núi Phía Bắc Việt Nam.