Từ ngày 08/12/2024 đến ngày 09/12/2024, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm (thuộc trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) phối hợp với các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN), Liên minh Bioversity và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) tổ chức tập huấn “Nâng cao kiến thức và nhận thức về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm để hướng tới chế độ ăn lành mạnh, bền vững cho giảng viên Đại học Thái Nguyên”. Khóa tập huấn này nằm trong khuôn khổ sáng kiến CGIAR về Khẩu phẩn ăn uống lành mạnh, bền vững thông qua việc chuyển đổi hệ thống lương thực- thực phẩm (SHiFT).
Mục đích chính của chương trình tập huấn là nâng cao nhận thức và kiến thức về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (FST) hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững thông qua chế độ ăn uống lành mạnh bền vững (SHD) và quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái (AE) cho giảng viên Đại học Thái Nguyên.
Mục tiêu của Khóa tập huấn:
1. Giới thiệu kế hoạch quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030
2. Cung cấp sự hiểu biết toàn diện và tích hợp về khái niệm chuyển đổi hệ thống lương thực thông qua chế độ ăn uống lành mạnh bền vững và phương pháp tiếp cận chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực ở Thái Nguyên, Việt Nam
3. Trang bị cho người tham gia bộ công cụ phân tích, bao gồm lập bản đồ thách thức hệ thống lương thực, phân tích vòng nhân quả, phân tích lý thuyết đánh đổi và hiệp lực, và phân tích các bên liên quan trong mối quan hệ hợp tác đa bên
4. Hướng dẫn người tham gia cách tốt nhất để áp dụng phương pháp tiếp cận chuyển đổi hệ thống lương thực và bộ công cụ phân tích để tạo ra sự thay đổi trong việc giải quyết các thách thức hiện tại về hệ thống lương thực, thảo luận về những thay đổi cần thiết trong cách làm việc và thúc đẩy cách thức thu hút đối tác mới tham gia vào quan hệ hợp tác đa bên
Tại khóa tập huấn, ngoài việc được trang bị kiến thức về mặt lý thuyết, các cán bộ tham dự còn được tập huấn bằng hình thức thảo luận nhóm và trải nghiệm thực tế về “bữa ăn lành mạnh”.
Các cán bộ phụ trách đào tạo trong khóa tập huấn:
1. PGS.TS. Đào Thế Anh - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Diễn giả
2. PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Diễn giả
3. TS. Lương Hùng Tiến - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Diễn giả
4. TS. Nông Thị Phương Nhung - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Giảng viên
5. TS. Nguyễn Đỗ Hương Giang - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Giảng viên
6. NCS. Phạm Thị Hạnh Thơ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS): Giảng viên
7. Th.S. Lê Thị Thu Hà - Trường Đại học Y tế Cộng đồng: Giảng viên
8. Th.S. Phạm Thị Ngọc Mai - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Giảng viên
9. Th.S Phạm Tùng Hương - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Giảng viên
10. BS. Lê Thị Nga - Liên minh Bioversity & CIAT: Điều phối chung
Học viên được lựa chọn tham gia khóa tập huấn là các giảng viên thuộc Đại học Thái Nguyên: Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Y – Dược, Trường Đại học Khoa học; Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch.
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm nhấn mạnh: Ngày 29/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3594/QĐ-BYT về “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030”- Đây là tài liệu định hướng quan trọng trong công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý trong nhân dân; Ngày hôm nay, chúng ta tổ chức được khóa Tập huấn này, là vô cùng thiết thực.
PGS.TS Nguyễn Hưng Quang- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm phát biểu tại Khóa tập huấn
PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng chia sẻ tại Khóa tập huấn
Giảng viên khóa tập huấn
Học viên làm bài tập
Học viên làm bài tập
Thành viên tham dự khóa Tập huấn
Học viên nhận chứng chỉ sau khóa Tập huấn
Qua hai ngày tập huấn, các giảng viên tham dự đã hình dung được các biện pháp áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học để hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm hướng tới chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững tại Thái Nguyên. Buổi tập huấn cũng đã đã tạo được động lực mới cho các hoạt động cải thiện hệ thống thực phẩm và nông nghiệp tại địa phương, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp bền vững và hiệu quả trong thực tiễn.
Tin bài: TS. Nông Thị Phương Nhung